Theo các kết quả của một nghiên cứu đoàn hệ trên trẻ mới sinh được công bố trực tuyến vào ngày 26/12/2011 và sẽ được in trên tạp chí Pediatrics 01/2012, việc bố hoặc mẹ hút thuốc trong giai đoạn mẹ mang thai có thể gây nên tổn thương mạch máu ở con khi trẻ được 5 tuổi.
Theo Caroline C. Geerts, MD, thuộc Trung tâm Julius về Khoa học Sức khỏe và Chăm sóc ban đầu và Trung tâm Y khoa Đại học Utrecht ở Hà Lan cùng các cộng sự, việc hút thuốc ( của cha mẹ) trong thai kì có liên quan đến sự dày hơn của lớp nội-trung mạc động mạch cảnh so với người thành niên , và điều này cũng được thấy ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, mối liên hệ giữa việc hút thuốc trong những năm đầu đời, nhất là trong thời kì tiền sản, và sự phát triển mạch máu ở trẻ nhỏ phần lớn vẫn chưa được biết.”
Trong nghiên cứu trên, lúc đạt 5 tuổi, 259 trẻ tham gia nghiên cứu được đo bằng siêu âm bề dày lớp nội- trung mạc động mạch cảnh (carotid artery intima-media thickness – CIMT) và độ căng phồng của thành động mạch. Dữ liệu về việc hút thuốc của ba mẹ cũng được cập nhật.
Kết quả cho thấy, sau khi điều chỉnh tuổi và giới của trẻ, tuổi mẹ, và tình trạng cho con bú, con của những người mẹ đã hút thuốc suốt trong thai kì có mạch máu bị phá hủy nhiều hơn so với con của những bà mẹ không hút thuốc trong thời kì mang thai. CIMT dày hơn 18.8 μm ở nhóm đầu tiên ( CI 95%, 1.1 – 36.5; P=.04), và mức căng thấp hơn 15% ( CI 95%, – 0.3 – 0.02; P=.02).
Ngoài ra, con của những người mẹ hút thuốc sau thời kì mang thai mà không hút trong thai kì lại không có những tác động nghịch trên CIMT và độ căng phồng thành động mạch. Nếu cả cha và mẹ đều hút thuốc trong thai kì, các mối liên quan còn mạnh hơn so với trường hợp chỉ người mẹ hút thuốc: CIMT dày hơn 27.7 μm ( 95% CI, 0.2 – 55.3), và độ căng phồng thấp hơn 21% (95% CI, −0.4 to −0.03).
Các tác giả cũng nhận xét đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng tác động xấu của việc hút thuốc trong thai kì trên mạng mạch máu của con đến lúc trẻ 5 tuổi là khá rõ, và thai kì dường như là thời kì quyết định cho sự phá hủy có xảy ra hay không.
Các giới hạn của nghiên cứu này bao gồm những sai lệch nhỏ trong hồ sơ giữa những người tham gia nghiên cứu và những người không tham gia nghiên cứu, thiếu sự đo lường nicotine lúc sinh, và độ tin cậy của các bản tự khai về tình trạng hút thuốc của ba hoặc mẹ.
Các tác giả cũng kết luận rằng, do những căn nguyên sớm của bệnh lý tim mạch nêu trên, các biện pháp ngăn ngừa chống lại việc hút thuốc nên được hướng dẫn kĩ càng vào thời kì mang thai.
(Nguồn: Pediatrics. Published online December 26, 2011).
Nguyễn Thị Ngọc Nhân