PNO – Gần đây, một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam có thể đông lạnh và lưu trữ tinh trùng lấy từ mào tinh và tinh hoàn. Bước tiến này đã thay đổi quan điểm cũng như định hướng điều trị bệnh nhân vô sinh nam không có tinh trùng (vô tinh) và góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí cũng như biến chứng, đau đớn bệnh nhân phải gánh chịu khi phải mổ đi mổ lại nhiều lần.

Mẫu tinh trùng đang được xử trí, chuẩn bị trữ đông Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM

Theo Bác sĩ Lý Thái Lộc, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, kỹ thuật trữ lạnh trên kết hợp kỹ thuật lấy tinh trùng một cách linh hoạt sẽ đem lại sự chủ động tích cực trong quá trình điều trị cho bệnh nhân vô tinh nam.

Không thua kém người có tinh trùng bình thường

Trước đây, để có khả năng làm cha, nam giới phải sản xuất ra ít nhất hàng chục triệu tinh trùng mỗi ngày. Với sự tiến bộ của khoa học, hiện nay, chỉ với một vài tinh trùng, nam giới đã có khả năng có những đứa con khỏe mạnh thông qua kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Đáng nói, ngay cả với một vài tinh trùng non, lấy từ mô tinh hoàn, mào tinh (có nguồn gốc từ bệnh nhân vô tinh) cũng giúp nam giới có khả năng có con.

Nhờ kỹ thuật xử lý, đông lạnh tinh trùng/mô tinh hoàn hiệu quả cao kết hợp ICSI, tỉ lệ có thai từ những tinh trùng có nguồn gốc trữ đông này không thua kém so với tinh trùng được lấy từ mẫu tươi có chất lượng bình thường. Theo Bác sĩ Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng IVF lab, Bệnh viện Hùng Vương, tỉ lệ thành công của những trường hợp trên tại Bệnh viện Hùng Vương chiếm 46,9%.

Giảm đau và chi phí cho bệnh nhân 

Trước kia, sau khi “bị” chẩn đoán vô sinh không tinh trùng, bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật thám sát và sinh thiết tinh hoàn. Nếu kết quả sinh thiết cho biết có tinh trùng trong tinh hoàn, bệnh nhân phải thực hiện lại các thủ thuật/phẫu thuật lấy tinh trùng vào ngày chọc hút trứng trong mỗi lần làm thụ tinh ống nghiệm.

Trong khi đó, với kỹ thuật trữ đông, khi chẩn đoán có tinh trùng trong mào tinh và tinh hoàn, các mẫu tinh trùng này có thể được đông lạnh ngay sau phẫu thuật. Các mẫu tinh trùng/mô tinh hoàn này có thể được sử dụng để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà bệnh nhân không phải làm thủ thuật hay mổ lại để lấy tinh trùng (giảm thời gian, chi phí, biến chứng của các lần phẫu thuật…).

Tuy nhiên, để được sử dụng kỹ thuật này, bệnh nhân cần đến khám tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản vừa có khả năng trữ lạnh mô tinh hoàn/tinh trùng cũng như có bộ phận Nam khoa để thực hiện các kỹ thuật lấy tinh trùng.

Chủ động trong điều trị

Bác sĩ Tăng Quang Thái, Trung tâm lưu trữ tinh trùng, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, phân tích:

Khi thụ tinh ống nghiệm, có một số trường hợp đặc biệt được ghi nhận:

– Nam giới rất ít tinh trùng (oligozoospermia) hoặc quá trình sinh tinh không ổn định (tinh dịch được lấy nhiều lần, một số mẫu có tinh trùng di động, một số không có).

– Bệnh nhân chấn thương cột sống cần hỗ trợ khi xuất tinh, tinh trùng từ nước tiểu trong xuất tinh ngược dòng, hoặc phẫu thuật thu nhận tinh trùng từ cơ quan sinh dục.

– Người chồng không thể lấy mẫu tươi vào ngày thực hiện quy trình ART do rối loạn cương, rối loạn xuất tinh…

Khi đó, áp lực có tinh trùng vào ngày chọc hút trứng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý bệnh nhân, nhân viên y tế cũng như tỉ lệ thành công. Vì vậy, việc trữ đông tinh trùng dự phòng giúp quá trình điều trị ở thế chủ động cao, giảm 50% áp lực (từ phía người chồng) làm việc cho nhân viên y tế.

Bác sĩ Quang Thái khẳng định, nếu được chỉ định một cách chủ động, tích cực và linh hoạt, việc trữ lạnh mô tinh hoàn/tinh trùng sẽ đem lại niềm vui cho người vô tinh cũng như lợi ích không nhỏ cho liệu trình điều trị hiếm muộn.

                                                                                 SONG NGUYỄN (ghi)

Chuyên mục: Tin tức y học